Thế giới xung quanh luôn ẩn chứa nhiều điều bất ngờ mà không ai có thể lường trước được. Vì vậy, kỹ năng sinh tồn là một “hành trang” vô cùng quan trọng mà mỗi người cần có. Đặc biệt, bé ở lứa tuổi mầm non thường chưa thể nhận thức được mối nguy hiểm một cách nhanh nhạy. Thế nên, việc giáo dục kỹ năng sinh tồn cho trẻ là điều bố mẹ cần làm để giúp con phát triển một cách an toàn và lành mạnh. Cùng iSchool tìm hiểu 12 kỹ năng sinh tồn cần thiết cho trẻ mầm non trong bài viết sau.
1. Kỹ năng sinh tồn cho trẻ khi đuối nước
Bơi lội là một trong những kỹ năng cần được ưu tiên hàng đầu. Khi bị đuối nước, người không biết bơi thường sẽ có tâm lý sợ hãi và vô thức vùng vẫy liên tục. Điều này sẽ khiến người đó càng rơi vào tình huống nguy cấp.
Chính vì vậy, dạy trẻ học bơi là rất quan trọng. Không chỉ cứu nguy và kéo dài thời gian, giúp trẻ thoát khỏi các tình huống đuối nước, mà đây còn là một môn thể thao tốt cho sức khỏe. Bơi lội giúp bé phát triển chiều cao, nâng cao thể lực, trẻ ăn ngon và ngủ say hơn.
Dạy trẻ học bơi – kỹ năng sinh tồn khi bị đuối nước
2. Kỹ năng xem bản đồ
Bố mẹ có thể dạy bé cách xem bản đồ khi con đã nhận biết được màu sắc và chữ cái đơn giản, bắt đầu từ việc chỉ cho trẻ về các phương phướng đơn giản hay các địa điểm nổi bật, quen thuộc trên đường về nhà.
Bé biết cách xem bản đồ sẽ bình tĩnh hơn trong tình huống không may đi lạc. Con có thể tìm được đường về nhà hoặc tìm người giúp đỡ đưa về theo chỉ dẫn của con. Hơn thế, đây còn là kỹ năng cần thiết trong thời đại ngày nay, giúp trẻ tự tin và sớm thích nghi hơn trong tương lai khi đến với những nơi, những thành phố mới.
3. Kỹ năng sống khi bé bị lạc
Chắc chắn rằng bất kỳ cũng không muốn để xảy ra trường hợp bé bị lạc. Tuy nhiên, dù có cẩn thận đến đâu thì những trường hợp bất khả kháng vẫn có thể xảy ra. Chính vì thế, điều bố mẹ cần làm là chuẩn bị kỹ càng cho con những “hành trang” cần thiết.
Phụ huynh nên dạy bé học thuộc số điện thoại của người thân. Căn dặn con giữ bình tĩnh khi chẳng may đến một nơi lạ và không có người quen bên cạnh. Sau đó, hãy đứng yên tại vị trí đó để tránh di chuyển quá xa. Tiếp theo, người lớn cần dạy bé tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người đáng tin cậy xung quanh: chú công an, chú bảo vệ…
Hướng dẫn kỹ năng sinh tồn khi bé bị lạc (Nguồn ảnh: cpcs.vn)
4. Kỹ năng ứng phó với tình huống khẩn cấp
Nếu không được hướng dẫn từ trước, trẻ chắc chắn sẽ bị hoảng sợ và mất bình tĩnh trong các trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, khi đã được cung cấp kiến thức và rèn luyện các kỹ năng, trẻ sẽ phần nào biết cách giải quyết vấn đề hơn. Điều này sẽ tạo điều kiện cho sự ứng cứu kịp thời từ bên ngoài đồng thời hỗ trợ rất nhiều cho sự bảo đảm an toàn của trẻ. Ví dụ: dạy trẻ thoát hiểm đúng cách khi có cháy, cách gọi cảnh sát hay tự sơ cứu vết thương…
5. Kỹ năng tự sơ cứu vết thương
Trẻ ở lứa tuổi này thường hiếu động, thích vui chơi, chạy nhảy khắp nơi. Chắc hẳn rằng không thể tránh khỏi trường hợp con bị va vấp hay bị ngã trong quá trình tham gia các hoạt động. Thay vì lo lắng và hạn chế trẻ vui chơi, bố mẹ nên hướng dẫn trẻ cách tự sơ cứu vết thương đơn giản. Kỹ năng này không chỉ giúp bé tự lập, mạnh mẽ hơn ở hiện tại mà còn hỗ trợ con và người xung quanh rất nhiều trong tương lai. Các bước dạy trẻ sơ cứu là:
Hướng dẫn con nhận biết mức độ vết thương: nếu chỉ là vết thương nhẹ ngoài da, bé có thể tự tiến hành sơ cứu.
Rửa vết thương bằng nước sạch.
Cách khử trùng vết thương.
Cách dán băng y tế đơn giản.
Dạy trẻ kỹ năng tự sơ cứu vết thương (Nguồn ảnh: marrybaby.vn)
6. Kỹ năng tự vệ cho trẻ
Kỹ năng tự vệ là cách bé phản kháng và bảo vệ bản thân bằng hành động trong những tình huống nguy cấp. Bố mẹ có thể chỉ cho con những điều đơn giản có thể làm như: hét to, vùng vẫy để lôi kéo sự chú ý… Ngoài ra, phụ huynh còn có thể đưa bé đến các trung tâm tập luyện võ thuật hay dạy kỹ năng tự vệ bài bản.
7. Kỹ năng đốt lửa – dập lửa
Sẽ có trường hợp khẩn cấp trẻ cần phải giữ ấm cơ thể. Vì vậy, đốt lửa – dập lửa cũng là một kỹ năng sinh tồn bố mẹ nên dạy cho bé. Điều đầu tiên bé phải được biết là khi nào cần sử dụng lửa và khi nào không, để con có thể hiểu được việc nguy hiểm nếu dùng lửa không đúng chỗ.
Tiếp theo bố mẹ có thể hướng dẫn bé cách tạo ra lửa bằng việc thu gom củi vụn, xếp củi và sử dụng diêm hay bật lửa để đốt. Điều không kém phần quan trọng là hãy dạy bé cách dập lửa trước khi rời đi: có thể dùng xô nước hoặc các lá cây tươi và xác nhận xem lửa đã được dập tắt hẳn hay chưa.
8. Kỹ năng giữ an toàn với động vật hoang dã
Bé thường được tham gia vào các hoạt động ngoại khóa hay dã ngoại ngoài trời. Ở thế giới tự nhiên, có rất nhiều tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Đặc biệt, các loài động vật hoang dã sẽ có đặc điểm và cách ứng xử khác nhau.
Một số loài vật nguy hiểm bố mẹ nên hướng dẫn con tránh xa và không nên cố gắng xua đuổi hay kích thích chúng giận dữ như: rắn, lợn rừng…
9. Kỹ năng nấu nướng cơ bản
Với kỹ năng này, bố mẹ nên hướng dẫn cho trẻ từ 5 tuổi. Con có thể học làm các món ăn đơn giản như luộc, hấp… để phòng các trường hợp bất ngờ như đi lạc hay bố mẹ đi vắng. Đây là một kỹ năng khó nên phụ huynh cần giải thích và hướng dẫn tỉ mỉ cho con, từ việc dùng các vật sắc nhọn đến sử dụng lửa… đều cần sự cẩn thận và chu đáo.
Dạy trẻ kỹ năng nấu nướng cơ bản
10. Kỹ năng lựa chọn quần áo phù hợp
Chọn quần áo phù hợp cho các sự kiện hoặc thời tiết khác nhau cũng là một kỹ năng mà trẻ nên được học. Nếu biết cách lựa chọn trang phục cùng chuẩn bị chu đáo các vật dụng cần thiết khi đi xa, bé sẽ có thể chủ động hơn trong sinh hoạt. Đặc biệt, khi đến với những vùng thời tiết lạnh, áo quần giữ ấm là điều vô cùng quan trọng để bảo vệ trẻ.
11. Kỹ năng giữ bình tĩnh, lạc quan
Tinh thần và tâm lý là tiền đề cần chuẩn bị trước hết trong các tình huống nguy cấp. Chỉ khi giữ được bình tĩnh và lạc quan, trẻ mới có thể nhớ lại được các bài học và biết phải hành động tiếp theo như thế nào. Bố mẹ có thể hướng dẫn con tập hít thở sâu để ổn định nhịp tim. Sau đó, thử nhắm mắt và nhớ lại những gì được dạy để ứng phó với tình cảnh hiện tại.
Kỹ năng sinh tồn cho trẻ giữ bình tĩnh, lạc quan
12. Dạy trẻ kỹ năng kêu cứu, tìm trợ giúp
Kỹ năng kêu cứu và tìm sự trợ giúp có thể hỗ trợ bé thoát khỏi tình trạng nguy cấp. Người lớn nên trang bị cho trẻ kỹ năng cảnh giác với người lạ. Đặc biệt, nếu trường hợp người lạ tiếp cận, bé cần phải hét to kêu cứu hoặc chạy đến những nơi đông người và tìm kiếm sự giúp đỡ của người đáng tin cậy.