1. Ích lợi của việc làm sạch cổ họng mỗi ngày
Cổ họng được cấu tạo giống như một chiếc ống cơ nối từ sau mũi xuống cổ. Bộ phận này được chia thành 3 phần chính đó là: thanh quản, hầu họng và vòm họng.
Cổ họng là một phần quan trọng của hệ hô hấp và hệ thống tiêu hóa, giữ nhiệm vụ giống như một nút giao giúp bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của các tác nhân gây bệnh. Bởi vì khi các vi sinh vật có hại xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ lưu lại và phát triển ở vùng hầu họng. Khi đủ trưởng thành chúng lại tiếp tục đi vào đường hô hấp dưới - nơi gồm có các cơ quan như phế quản và phổi.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tổn thương vùng cổ họng, ví dụ như hít phải khói bụi ô nhiễm, uống nhiều nước lạnh, thay đổi thời tiết, nhiễm phải virus hay vi khuẩn, hát liên tục hoặc nói to nhiều ngày,...
Uống nước giúp làm sạch cổ họng
Các vấn đề mà bạn có thể sẽ gặp phải ở vùng họng bao gồm: ho, đau họng, viêm họng, cảm lạnh, sốt, thậm chí là bệnh lý tại cơ quan đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi,...
Theo lời khuyên của các chuyên gia y tế, việc làm sạch cổ họng mỗi ngày chính là cách hiệu quả để bảo vệ bạn trước sự tấn công và phát triển của các vi sinh vật hay các tác nhân gây bệnh khác.
2. Một số cách làm sạch cổ họng hiệu quả ngay tại nhà
Dưới đây là một số cách giúp làm sạch cổ họng đem lại hiệu quả không ngờ, bạn có thể tham khảo để áp dụng hàng ngày:
2.1. Súc họng bằng nước muối pha loãng
Bạn có thể dùng nước muối pha loãng hoặc nước súc miệng chuyên biệt để làm sạch cổ họng mỗi ngày. Tuy nhiên đơn giản và tiết kiệm nhất là nước muối pha loãng.
Nước muối có công dụng diệt khuẩn, hạn chế tiết dịch nhầy, giảm viêm nhiễm và ngăn ngừa tình trạng ứ đờm ở cổ. Nước muối tự pha loãng tại nhà hay dùng nước muối sinh lý mua tại hiệu thuốc đều tốt. Tuy nhiên hãy nên chú ý đến nồng độ của dung dịch súc họng để bảo vệ niêm mạc họng. Tức là không nên pha quá mặn hoặc quá nhạt sẽ gây phản tác dụng. Mỗi lần bạn chỉ cần súc họng với 5ml nước muối là đủ.
2.2. Uống nước chanh mật ong
Chanh và mật ong là 2 loại nguyên liệu có tác dụng sát trùng và kháng khuẩn vô cùng hiệu quả. Đặc biệt đây còn là 2 thức quà từ thiên nhiên, độ lành tính cao rất thích hợp để sử dụng thường xuyên. Nước chanh mật ong không những thơm ngon, dễ uống mà còn hỗ trợ làm dịu niêm mạc họng, loại bỏ các tác nhân gây kích thích, giảm cảm giác buồn nôn và ngăn ngừa các bệnh lý về đường hô hấp.
Mỗi ngày bạn hãy pha nước chanh mật ong theo tỷ lệ: 150ml nước ấm pha với 1 thìa nước cốt chanh cùng 2 thìa mật ong. Nên uống vào mỗi buổi sáng, nuốt từ từ để thanh lọc cơ thể và làm sạch cổ họng.
Bạn có thể sát trùng cổ họng bằng nước chanh pha mật ong
2.3. Bổ sung đủ nước
Nước rất cần thiết cho cơ thể, không chỉ hỗ trợ nhiều hoạt động sống mà nước còn là một phương pháp làm sạch cổ họng đơn giản và tự nhiên nhất. Khi uống nước dịch đờm trong cổ họng của bạn sẽ được làm loãng, hạn chế tích tụ trong cổ và dễ bị đẩy ra ngoài.
Tuy nhiên bạn không nên uống nước lạnh mà thay vào đó hãy dùng nước ấm để tránh làm tổn thương niêm mạc cổ họng và giúp dịch đờm dễ tan hơn.
2.4. Uống trà thảo mộc
Một số loại trà thảo mộc giúp kháng khuẩn và làm dịu cổ họng rất hiệu quả. Khi uống trà thảo dược đúng cách sẽ hạn chế hoạt động của vi khuẩn trong cổ họng. Những loại trà thảo dược bạn nên chọn bao gồm trà gừng, trà xanh, trà hoa cúc,...
3. Phòng ngừa tình trạng tích tụ đờm ở cổ họng
Để ngăn chặn nguy cơ đờm dãi tích tụ, ngoài những cách làm sạch cổ họng nêu trên bạn có thể áp dụng các biện pháp như sau:
- Kê cao đầu khi ngủ: điều này giúp chất nhầy và dịch đờm không bị đọng lại trong họng;
- Không hút thuốc lá: khói thuốc lá rất có hại đối với hệ hô hấp, cụ thể là nó có thể làm khô thanh quản, gây tổn thương niêm mạc đường hô hấp. Phản ứng này sẽ kích thích cơ thể tiết ra nhiều chất nhờn hơn để duy trì độ ẩm cho cổ họng, vô tình khiến họng bạn lúc nào cũng có đờm. Do đó tốt hơn hết là bạn nên từ bỏ thói quen hút thuốc lá, nếu ở trong khu vực có nhiều khói thuốc thì cũng nên tránh xa;
- Hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm, khói bụi, chất dị ứng và hóa chất độc hại: chất tẩy rửa vệ sinh, sơn tường, sơn cửa, hóa chất công nghiệp cũng là những tác nhân gây kích ứng cho đường hô hấp. Vì vậy nếu đi ra ngoài đường hoặc khi làm việc tại những nơi chứa nhiều hóa chất, bạn nên đeo khẩu trang và mặc đồ bảo hộ;
- Không nên ăn những thực phẩm dễ gây kích ứng cho đường tiêu hóa, nhất là những người đang bị trào ngược dạ dày. Nguyên nhân là do dịch vị dạ dày khi bị trào ngược lên cổ họng sẽ gây nóng rát, tổn thương cổ họng khiến cho bộ phận này càng tiết nhiều đờm hơn. Các thực phẩm này bao gồm: hành tây, tỏi, caffein, trái cây họ cam quýt, bạc hà, bia rượu, cà chua, chocolate, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ uống có gas,...
Khói thuốc lá rất có hại đối với hệ hô hấp
Như vậy để hạn chế các chất dịch đờm đọng trong cổ họng, cách hiệu quả nhất đó là áp dụng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, từ bỏ các thói quen xấu để củng cố hệ miễn dịch, chống lại các tác nhân gây bệnh một cách tốt nhất. Nếu tình trạng cổ họng có đờm mãi không có dấu hiệu cải thiện thì bạn nên đi khám để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Nguồn tin: tham khảo