Viêm não Nhật Bản ở trẻ em là gì?
Viêm não Nhật Bản ở trẻ em là bệnh nhiễm trùng não ở trẻ do virus viêm não Nhật Bản gây ra, lây truyền qua vết muỗi đốt. Trẻ ở nhóm tuổi 0-14 tuổi chiếm đến 75% các ca tử vong.
“Viêm não Nhật Bản có từ “viêm não” có nghĩa là bị viêm cấu trúc của não, mô não bị viêm, mà chúng ta biết não là cơ quan điều chỉnh hết các vận động, tư duy. Triệu chứng thường sẽ là sốt cao đột ngột, sau đó ảnh hưởng tới phần cấu trúc não có thể em bé lơ mơ, nôn ói, đau đầu, lâu dần sẽ co giật, hôn mê và hôn mê nặng tới mức không thở được. Toàn bộ điều chỉnh về mạch huyết áp cũng không thực hiện được, cuối cùng em bé sẽ tử vong.” BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch liên Chi hội truyền nhiễm TP.HCM cho biết.
Nguyên nhân trẻ mắc viêm não Nhật Bản
Nguyên nhân trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản là do nhiễm virus viêm não Nhật Bản (Japanese encephalitis virus – JEV) qua đường muỗi đốt, thường là loại muỗi Culex tritaeniorhynchus. Nguồn chứa virus chủ yếu là lợn và chim, lây truyền qua người thông qua muỗi Culex – loài muỗi tăng sinh mạnh ở nước ta vào các tháng mưa, nóng. Muỗi sẽ bị nhiễm virus sau khi hút máu các loài động vật bị bệnh.
Virus JEV thuộc nhóm B, họ Togaviridae, chủng Flavivirus; bị bất hoạt ở 56 độ C sau 30 phút và 100 độ C sau 2 phút. Virus này liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng da và virus Tây sông Nile. Virus này tồn tại trong muỗi, lợn, các loài chim nước. Ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, virus viêm não Nhật Bản thường lây truyền mạnh vào mùa mưa và thời điểm trước thu hoạch ở vùng trồng lúa. Ở Việt Nam, muỗi Culex đa số xuất hiện ở miền Bắc, những tháng mùa hè. Muỗi Culex thường đẻ trứng trong ruộng lúa, kênh mương.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), virus viêm não Nhật Bản là nguyên nhân chính gây bệnh viêm não do virus ở nhiều nước châu Á. Có khoảng 68.000 ca mắc hàng năm trên toàn cầu, trong đó có khoảng từ 13.600 đến 20.400 trường hợp tử vong.
Trường hợp đầu tiên mắc bệnh do virus viêm não Nhật Bản được ghi nhận vào năm 1871 tại Nhật Bản. Bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em.
Bệnh có nhiều biểu hiện, từ những thay đổi nhỏ trong hành vi cho đến những triệu chứng nghiêm trọng như mù, suy nhược cơ thể, rối loạn vận động… Bệnh xuất hiện chủ yếu ở các vùng nông thôn ở châu Á. Một số quốc gia đang lưu hành virus viêm não Nhật Bản bao gồm Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Đài Loan, Bangladesh, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam…
Bệnh viêm não Nhật Bản không lây trực tiếp từ người sang người, không lây khi ăn uống chung, dùng chung đồ dùng hay tiếp xúc gần với người mắc bệnh.
Triệu chứng viêm não Nhật Bản ở trẻ em
Phần lớn các trường hợp nhiễm virus viêm não Nhật Bản không có triệu chứng; dưới 1% người nhiễm virus viêm não Nhật Bản có biểu hiện lâm sàng, sau thời gian ủ bệnh từ 5 đến 15 ngày.
Hầu hết trẻ bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản có các triệu chứng nhẹ như sốt và đau đầu trong thời gian ngắn, thường bị nhầm với bệnh cúm. Những triệu chứng khởi phát khi bị bệnh viêm não Nhật Bản là:
- Sốt
- Nhức đầu
- Buồn nôn, nôn mửa
- Tiêu chảy
- Đau cơ.
Trẻ nhỏ bị viêm não Nhật Bản thường khó nhận biết, chủ yếu là những triệu chứng về đường tiêu hóa như đau bụng, nôn mửa, quấy khóc. Đây là những dấu hiệu không điển hình nên sẽ khó phát hiện.
Tuy nhiên, khoảng 1 trong 250 trường hợp bị nhiễm virus sẽ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng. Nhiễm virus viêm não Nhật Bản thường có biểu hiện lâm sàng của một bệnh viêm não cấp tính.
Các dấu hiệu nặng của bệnh:
- Các đợt sốt cao (39 – 40 độ C) khởi phát đột ngột;
- Cứng cổ;
- Mất phương hướng;
- Lú lẫn;
- Hôn mê;
- Co giật;
- Khó thở;
- Tê liệt;
Các dấu hiệu kinh điển của bệnh viêm não Nhật Bản bao gồm:
- Hội chứng Parkinson với mặt lạnh lùng, run, động tác chậm chạp, cứng cơ;
- Liệt mặt cấp;
- Thường xuyên có co giật, đặc biệt ở trẻ em;
- Xét nghiệm thường có tăng bạch cầu, thiếu máu nhẹ, giảm natri máu. Dịch não tủy đặc trưng bởi tăng nhẹ đến trung bình tế bào bạch cầu lympho, tăng nhẹ protein.
Đường lây truyền của viêm não Nhật Bản ở trẻ
Chia sẻ về đường lây truyền của bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ, BS. Trương Hữu Khanh cho biết: Viêm não Nhật Bản có đường lây từ muỗi ruộng – loài muỗi này có thể bay rất xa vào thành thị. Một số khu vực nuôi heo hoặc nuôi chim có chứa virus, loài muỗi này sẽ mang theo mầm bệnh từ heo hoặc chim lây cho người, vì vậy không thể cắt được hết nguồn lây. Nếu bệnh chỉ lây từ người sang người thì chỉ cần cách ly, nhưng đối với động vật việc cách ly là không thể. Hiện nay, muốn phòng ngừa bệnh chỉ có 2 cách:
Cách thụ động: Ngủ mùng, diệt muỗi và lăng quăng… Tuy nhiên, cách này không hiệu quả tuyệt đối vì đến lúc nào đó trẻ cũng sẽ bị mắc bệnh, không đảm bảo cắt đứt được nguồn lây..
Cách chủ động: Cách phòng ngừa tốt nhất là tiêm vắc xin cho cả trẻ em từ 9 tháng tuổi và người lớn.
Biến chứng viêm não Nhật Bản ở trẻ
Viêm não Nhật Bản là bệnh vô cùng nguy hiểm do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ bị viêm não Nhật Bản có thể xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như:
Các di chứng sớm có thể là liệt nửa người, mất ngôn ngữ, rối loạn phối hợp vận động, giảm trí nhớ nghiêm trọng… Các di chứng muộn có thể gặp là động kinh, nghe kém hoặc điếc, rối loạn tâm thần, sống thực vật…
Điều trị cho bệnh viêm não Nhật Bản cần thực hiện trong thời gian dài và rất tốn kém
Chẩn đoán bệnh viêm não Nhật Bản ở bé
Bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ có thể được chẩn đoán xác định bằng các yếu tố dịch tễ, các kết quả xét nghiệm.
Trẻ em sống trong hoặc đã đến vùng có lưu hành virus viêm não Nhật Bản và bị viêm não được chẩn đoán là trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Các xét nghiệm được thực hiện để xác nhận nhiễm virus viêm não Nhật Bản và loại trừ các nguyên nhân khác gây viêm não.
1. Xét nghiệm huyết thanh và dịch não tủy
Bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ được chẩn đoán bằng xét nghiệm miễn dịch liên kết enzyme (ELISA) để phát hiện virus viêm não Nhật Bản trên huyết thanh hoặc dịch não tủy (CSF). Đây là xét nghiệm chẩn đoán tiêu chuẩn cho bệnh viêm não Nhật Bản, nhằm phát hiện các kháng thể IgM đặc hiệu với virus.
Các kháng thể IgM của virus viêm não Nhật Bản có thể được phát hiện từ 3 đến 8 ngày sau khi phát bệnh và tồn tại từ 30 đến 90 ngày. Do đó, kháng thể IgM dương tính có thể phản ánh tình trạng nhiễm trùng hoặc tiêm chủng trong quá khứ. Đối với những bệnh nhân có kháng thể IgM của virus viêm não Nhật Bản, CDC Hoa Kỳ khuyến cáo nên thực hiện xét nghiệm xác nhận kháng thể trung hòa.
Các xét nghiệm chẩn đoán kháng thể IgM của virus viêm não Nhật Bản hiện đang được lưu hành trên thị trường.
2. Các xét nghiệm khác
Một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh khác có thể được chỉ định, gồm:
Xét nghiệm máu có thể phát hiện tăng bạch cầu nhẹ và hạ natri máu.
Kết quả chụp MRI và CT não có thể phát hiện tổn thương đồi thị hai bên kèm theo xuất huyết.
Đo điện não đồ (EEG).
Tuy nhiên, việc phân lập virus viêm não Nhật Bản từ bệnh phẩm là khó khăn vì lượng virus ở mức độ thấp.
Bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ được chẩn đoán phân biệt với viêm não do virus tây sông Nile, viêm não St. Louis, viêm não Thung lũng Murray, viêm não do virus herpes simplex, sốt xuất huyết, nhiễm vi rút Nipah, viêm não California, áp xe não khu trú sinh mủ, viêm màng não do lao, sốt đốm Rocky Mountain, nhiễm nấm, thần kinh trung ương lupus hệ thống (CNS), u thần kinh trung ương và tai biến mạch máu não (CVA).
Cách điều trị viêm não Nhật Bản ở trẻ
Hiện tại, không có thuốc kháng virus nào có hiệu quả chống lại virus viêm não Nhật Bản ở trẻ. Điều trị viêm não Nhật Bản do đó là giảm các triệu chứng lâm sàng nghiêm trọng như xử lý áp lực nội sọ, bảo vệ đường thở và kiểm soát cơn động kinh.
Tỷ lệ tử vong liên quan đến viêm não Nhật Bản có thể lên đến 30% và vượt quá 35% ở các nước kém phát triển. Khoảng 30% -50% người sống sót có di chứng thần kinh hoặc tâm thần vĩnh viễn.
Các yếu tố tiên lượng tốt ở trẻ bị viêm não Nhật Bản bao gồm nồng độ kháng thể trung hòa dịch não tủy cao.
Các yếu tố tiên lượng xấu bao gồm thang điểm hôn mê Glasgow (GCS) thấp, hạ natri máu và tuổi dưới 10 tuổi.
Nguy cơ mắc viêm não Nhật Bản ở trẻ nhỏ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 3 tỷ người tại 24 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) và Tây Thái Bình Dương có nguy cơ bị lây truyền virus viêm não Nhật Bản. Vì vậy, trẻ em ở những quốc gia nằm trong vùng lưu hành virus sẽ có nguy cơ cao bị viêm não Nhật Bản. Các đợt bùng phát lớn của viêm não Nhật Bản xảy ra 2-15 năm một lần. Sự lây truyền bệnh tăng cao trong mùa mưa, khi số lượng muỗi gia tăng.
Tại Việt Nam, bệnh lưu hành quanh năm, trong đó tăng cao vào mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm (cao nhất vào các tháng 5, 6, 7). Bệnh đang có xu hướng tăng dần ở nhóm tuổi nhũ nhi (6,8%) và nhóm trên 15 tuổi (13,2%). Tuy nhiên, nhóm tuổi từ 1 đến 15 tuổi vẫn là nhóm dân số chiếm cao nhất về tỷ lệ mắc bệnh (80%).
Người lớn vẫn có nguy cơ bị viêm não Nhật Bản nếu chưa được tiêm ngừa vắc xin, nhất là những du khách thường đi du lịch, công tác, lao động ở những vùng đang có lưu hành của bệnh.
Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản là biện pháp phòng bệnh đơn giản, hiệu quả nhất
Phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ em
Tiêm vắc xin là cách hiệu quả nhất để phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ em. WHO đưa ra khuyến nghị vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản nên được lồng ghép vào lịch trình tiêm chủng quốc gia ở các khu vực đang có lưu hành virus này. Ngoài ra, cần thực hiện các biện pháp ngăn ngừa muỗi đốt.
Các biện pháp tránh muỗi đốt
Để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm não Nhật Bản, tất cả du khách đến các vùng lưu hành bệnh viêm não Nhật Bản nên đề phòng để tránh bị muỗi đốt.
Khi đưa con đến vùng đang lưu hành bệnh viêm não Nhật Bản, nên cho trẻ mặc áo và quần che kín tay chân
Dùng bình xịt muỗi
Bôi thuốc chống côn trùng
Hạn chế hoạt động ngoài trời nếu có quá nhiều muỗi
Ngủ trong màn chống muỗi
Ngăn không cho muỗi đẻ trứng. Mỗi tuần một lần, đổ trống và cọ rửa, lật úp, đậy nắp hoặc vứt bất kỳ vật dụng nào có nước (như lốp xe, xô, chậu hoa và thùng rác ngoài trời). Ngoài ra, hãy quan sát xung quanh trong nhà và ngoài trời xem có bất kỳ thùng chứa nào mà nước có thể đọng lại không.
Những khách du lịch có nhiều thời gian ở các khu vực lưu hành bệnh nên tiêm phòng trước khi đi du lịch.
Các loại vắc xin ngừa bệnh viêm não Nhật Bản
Tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản mang ý nghĩa quan trọng trong việc phòng bệnh cho trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời. Trẻ cần được tiêm vắc xin sớm, đúng lịch, đặc biệt các mũi vắc xin nhắc lại để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, nhất là trong mùa cao điểm dịch bệnh từ tháng 4 – tháng 10 mùa mưa, trong giai đoạn nhập học của trẻ.
Có 4 loại vắc xin ngừa bệnh viêm não Nhật Bản đang được lưu hành trên thế giới là loại vắc xin bất hoạt có nguồn gốc từ não chuột, vắc xin bất hoạt có nguồn gốc từ tế bào Vero, vắc xin sống giảm độc lực và vắc xin sống tái tổ hợp (chimeric).
Tại Việt Nam, 2 loại vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản là Jevax (Việt Nam) và Imojev (Sanofi Pasteur – Pháp).
Jevax là vắc xin phòng viêm não Nhật Bản cho mọi đối tượng từ 12 tháng tuổi trở lên. Đối với trẻ em < 36 tháng tuổi, liều vắc xin là 0.5ml; trẻ em ≥ 36 tháng, liều vắc xin là 1ml. Phác đồ 3 mũi vắc xin Jevax như sau:
Mũi 1: Liều đầu tiên khi tiêm.
Mũi 2: sau mũi 1 khoảng 2 tuần.
Mũi 3: sau mũi 2 khoảng 1 năm.
Sau mỗi 3 năm, trẻ nên tiêm nhắc lại một liều để duy trì miễn dịch cho đến 15 tuổi. Những người lớn cũng nên tiêm nhắc lại trước khi có dịch viêm não xảy ra.
Imojev là vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho người lớn và trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên. Phác đồ tiêm vắc xin Imojev như sau:
Đối với trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 18 tuổi (chưa tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản lần nào).
Mũi 1: mũi tiêm đầu tiên.
Mũi 2: cách mũi tiêm đầu tiên 1 năm.
Đối với người tròn 18 tuổi trở lên: Tiêm 1 mũi duy nhất.
Trước đây, đặc biệt tại Việt Nam, vắc xin viêm não Nhật Bản Jevax chỉ sử dụng cho trẻ từ 12 tháng trở lên với tổng liều cơ bản là 3 liều và sau 3 mũi này để có khả năng bảo vệ bệnh tốt thì phải nhắc lại mỗi 3 năm 1 lần cho tới 15 tuổi, liều nhắc này rất là quan trọng. Tuy nhiên vì mỗi 3 năm nhắc lại một lần nên có một số phụ huynh cũng thường sẽ bỏ sót.
Rất may mắn Việt Nam đã có vắc xin Imojev phòng bệnh viêm não Nhật Bản sớm cho trẻ từ 9 tháng tuổi. Lợi thế thứ 2 là tổng liều trong cả cuộc đời trẻ dưới 18 tuổi chỉ cần tiêm 2 liều, còn trên 18 tuổi chỉ cần tiêm 1 liều với khả năng bảo vệ lâu dài thì đây là thuận lợi rất là lớn.
Viêm não Nhật Bản ở trẻ em là căn bệnh gây “ác mộng” với hàng triệu gia đình nhưng có thể phòng ngừa hoàn toàn được bằng vắc xin. Trẻ em, người lớn chưa có miễn dịch tuyệt đối không “thờ ơ” với bệnh, cần khẩn trương tiêm đủ vắc xin để phòng bệnh hiệu quả.
Nguồn tin: Sưu Tầm