Trứng gà là thức ăn giàu chất dinh dưỡng Giá trị dinh dưỡng của trứng gà Trứng gà là thức ăn giàu chất dinh dưỡng như protein, canxi, photpho, sắt, chất khoáng, các men, hormone và nhiều vitamin có lợi cho sự phát triển của trẻ. Hơn nữa, tỷ lệ các chất dinh dưỡng trong trứng ...
Giá trị dinh dưỡng của trứng gà
Trứng gà là thức ăn giàu chất dinh dưỡng như protein, canxi, photpho, sắt, chất khoáng, các men, hormone và nhiều vitamin có lợi cho sự phát triển của trẻ. Hơn nữa, tỷ lệ các chất dinh dưỡng trong trứng tương quan với nhau rất thích hợp và cân đối. Chất đạm của trứng có đầy đủ các loại axit amin cần thiết ở tỷ lệ cân đối do đó trẻ dễ hấp thu. Cả trong lòng đỏ và lòng trắng trứng đều có chất Biotin. Biotin là vitamin B8, tham gia vào chu trình sản xuất năng lượng để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Trứng gà có nguồn chất béo rất quí, đó là Lecithin vì Lecithin thường có ít ở các thực phẩm khác. Lecithin tham gia vào thành phần các tế bào và dịch thể của tổ chức, đặc biệt là tổ chức não. Nhiều nghiên cứu cho thấy Lecithin có tác dụng điều hòa lượng cholesterol, ngăn ngừa tích lũy cholesterol, thúc đẩy quá trình phân tách cholesterol và bài xuất các thành phần thu được ra khỏi cơ thể. Trứng cũng chứa lượng cholesterol đáng kể (600mg cholesterol/100g trứng gà), nhưng lại có tương quan thuận lợi giữa Lecithin và cholesterol do vậy Lecithin sẽ phát huy vai trò điều hòa cholesterol, ngăn ngừa quá trình xơ vữa động mạch và đào thải cholesterol ra khỏi cơ thể.
Trứng gồm lòng đỏ và lòng trắng. Lòng đỏ tập trung chủ yếu các chất dinh dưỡng. Chất đạm trong lòng đỏ trứng chủ yếu thuộc loại đơn giản và ở trạng thái hòa tan có thành phần các acid amin tốt nhất và toàn diện nhất, là nguồn cung cấp rất tốt các acid amin cần thiết có vai trò quan trọng cho cơ thể, đặc biệt cần cho sự phát triển cả về cân nặng và chiều cao của trẻ. Còn chất đạm của lòng trắng chủ yếu là Albumin và cũng có thành phần các acid amin tương đối toàn diện.
Các chất khoáng như sắt, kẽm, đồng, mangan, iod... tập trung hầu hết trong lòng đỏ. Ngoài ra, lòng đỏ trứng có cả các vitamin tan trong nước (B1, B6) và vitamin tan trong dầu (Vitamin A, D, K).
Trong lòng trắng trứng chỉ có một ít vitamin tan trong nước (B2, B6). Ở lòng trắng trứng tươi, chất Biotin kết hợp với một protein là Avidin làm mất hoạt tính của Biotin, tạo phức hợp Biotin - Avidin rất bền vững và không chịu tác dụng của men tiêu hóa. Khi nấu chín, Avidin sẽ được giải phóng khỏi phức hợp Biotin - Avidin.
Lòng đỏ trứng gà (bỏ lòng trắng) giúp nâng cao trí nhớ và tái phục trí nhớ.
Đối với học sinh tiểu học và trung học, quá trình học tập khiến các em phải sử dụng mắt một cách thường xuyên với nhịp độ vô cùng căng thẳng. Lượng vitamin A trong trứng gà rất cao, góp phần bổ sung cho thị lực của các em, giúp cho mắt khỏe và sáng hơn.
Cho trẻ ăn trứng gà hợp lý
Trứng gà đã được nhiều bậc cha mẹ lựa chọn để bồi bổ cơ thể cho trẻ khi ốm, suy nhược hay suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, không phải càng ăn nhiều càng tốt. Do bộ máy tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện. Nếu ăn quá nhiều trứng gà sẽ gây "gánh nặng" cho dạ dày, ruột, trẻ không hấp thụ hết chất dinh dưỡng sẽ gây tiêu chảy, mất điều hòa các thành phần dinh dưỡng trong cơ thể. Mặt khác protein không được phân giải hết dễ sinh ra những độc chất như amine, phenyl hydrat gây nguy hại cho sức khỏe.
Ngoài ra, trong trứng có chứa một hàm lượng lớn cholesterol nên nếu ăn nhiều trứng trong một thời gian dài có thể dẫn đến xơ hóa động mạch.
Do đó, chỉ nên cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên ăn trứng và chỉ nên cho ăn lòng đỏ. Nguyên nhân là vì hệ thống tiêu hóa của bé phát triển còn chưa hoàn thiện, thành ruột rất mỏng, tính thẩm thấu rất cao; trong khi đó protein trong lòng trắng trứng là các albumin có phân tử nhỏ, có thể thấm trực tiếp qua thành ruột vào máu. Loại protein dị thể này là kháng nguyên khiến cơ thể của trẻ sinh ra kháng thể làm xuất hiện một loạt các phản ứng dị ứng và bệnh mang tính phản ứng biến đổi trạng thái như phát ban, viêm khí quản nhánh dạng hen.
Khi trẻ từ 12 - 18 tháng tuổi mỗi ngày chỉ ăn 1 lòng đỏ trứng gà. Trẻ từ 18 - 24 tháng có thể cách một ngày ăn một quả trứng gà (cả lòng đỏ và trắng). Trẻ từ 2 tuổi trở lên cũng chỉ mỗi ngày ăn một quả.
Nếu phát hiện trong phân của trẻ có chất như lòng trắng thì dạ dày và ruột của trẻ tiêu hóa không tốt, chất protein chưa được hấp thụ hoàn toàn vì vậy, nên nấu lẫn lòng đỏ trứng vào thức ăn khác. Không nên cho trẻ bị viêm gan, viêm thận hay bệnh sởi ăn trứng.
Không nên cho trẻ ăn trứng sống vì khó tiêu và dễ bị nhiễm khuẩn, nhiệt độ an toàn để làm chín trứng là khoảng 121 độ. Tốt nhất là luộc chín (hạn chế rán) hoặc quấy lẫn với cháo, bột, súp nhưng cho trứng vào khi bột, cháo, súp đã chín, đun sôi trở lại bắc ra ngay, không nên đun quá kỹ.
Trứng gà với một số loại trứng khác
Trứng gà ngon và bổ dưỡng. Tuy nhiên, cũng có nhiều loại trứng khác có giá trị dinh dưỡng cao ngoài trứng gà. Khi so sánh trứng gà với một số loại trứng khác, bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn cho con mình.
Trứng gà và trứng vịt
Trứng gà hay vịt đều là món ăn bổ dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, theo các lương y và chuyên gia dinh dưỡng, trứng gà vượt trội về mặt dinh dưỡng hơn trứng vịt. Tác dụng này càng có hiệu ứng cao đối với trứng gà so (đẻ lứa đầu, trứng nhỏ) và người sử dụng thường xuyên, đúng cách. Bên cạnh đó, trứng vịt vỏ xốp hơn dễ bị vi khuẩn xâm nhập, mùi vị không thơm bằng trứng gà, cho nên trẻ nhỏ dưới 2 tuổi tốt nhất là nên ăn trứng gà, trứng vịt nên dùng chế biến cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.
Trứng gà và trứng ngỗng
Trứng ngỗng tuy giàu protein hơn trứng gà một chút (trứng ngỗng 13,5% còn trứng gà chỉ 12,5%) nhưng đổi lại lượng lipid cao hơn (trứng ngỗng 13,2%, trứng gà 11,6%). So với trứng vịt, thậm chí trứng ngỗng còn không được sạch bằng. Hàm lượng các vitamin của trứng ngỗng cũng thua trứng gà. Hơn nữa, cho đến nay chưa có một bằng chứng nào cho thấy có mối liên quan giữa trứng ngỗng với sự phát triển trí thông minh của trẻ.
Trứng gà và trứng cút
Trứng gà, trứng cút đều là những thực phẩm bổ dưỡng cho cơ thể con người. Trong cuộc sống hàng ngày, trứng gà quen thuộc và thường được con người sử dụng nhiều hơn so với trứng chim cút. Thực tế, nếu có cùng một trọng lượng như nhau, mức độ chất dinh dưỡng trong cả hai loại trứng này cũng gần tương đương nhau, không có quá nhiều sự sai khác. Hàm lượng các chất protein, chất béo và lượng carbohydrate trong trứng chim cút và trứng gà về cơ bản là ngang bằng. Khi mới tập ăn trứng có thể dùng trứng chim cút cho tiện, 4-5 quả trứng chim cút bằng một quả trứng gà.
Tác giả: tài liệu tham khảo