Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng các bệnh gây ra từ thực phẩm có ý nghĩa thực tế rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội. Mục tiêu đầu tiên của vệ sinh an toàn thực phẩm là đảm bảo cho người ăn tránh bị ngộ độc do ăn phải thức ăn bị ô nhiễm hoặc có chất độc; thực phẩm phải đảm bảo lành và sạch. Bởi vậy Trường Mầm non Nhân Hòa tuyên truyền đến các bậc phụ huynh các nội dung về "vệ sinh an toàn thực phẩm" vì sức khỏe của bản thân, người thân và cộng đồng.
Trong những năm gần đây, nền kinh tế của nước ta chuyển sang cơ chế thị trường. Các loại thực phẩm sản xuất, chế biến trong nước và nước ngoài nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều chủng loại. Việc sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất trở nên phổ biến. Các loại phẩm màu, đường hóa học đang bị lạm dụng trong pha chế nước giải khác, sản xuất bánh kẹo, chế biến thức ăn sẵn như thịt quay, giò chả, ô mai … Nhiều loại thịt bán trên thị trường không qua kiểm duyệt thú y. Tình hình sản xuất thức ăn, đồ uống giả, không đảm bảo chất lượng và không theo đúng thành phần nguyên liệu cũng như quy trình công nghệ đã đăng ký với cơ quan quản lý. Nhãn hàng và quảng cáo không đúng sự thật vẫn xảy ra.
Ngoài ra, việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật bao gồm thuốc trừ sâu, diệt cỏ, hóa chất kích thích tăng trưởng và thuốc bảo quản không theo đúng quy định gây ô nhiễm nguồn nước cũng như tồn dư các hóa chất này trong thực phẩm.
Việc bảo quản lương thực thực phẩm không đúng quy cách tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển đã dẩn đến các vụ ngộ độc thực phẩm.
Các bệnh do thực phẩm gây nên không chỉ là các bệnh cấp tính do ngộ độc thức ăn mà còn là các bệnh mạn tính do nhiễm và tích lũy các chất độc hại từ môi trường bên ngoài vào thực phẩm, gây rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể, trong đó có bệnh tim mạch và ung thư.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá các chương trình hành động đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên toàn cầu đã xác định được nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em là các bệnh đường ruột, phổ biến là tiêu chảy. Đồng thời cũng nhận thấy nguyên nhân gây các bệnh trên là do thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, trong 10 nguyên nhân gây tử vong thì nguyên nhân do vi sinh vật gây bệnh đường ruột đứng thứ 2.
Nguyên nhân gây ô nhiễm thực phẩm, thực phẩm bẩn, kém chất lượng:
Do quá trình chăn nuôi, gieo trồng, sản xuất thực phẩm, lương thực: Đó là việc sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật, hoá chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng, các loại kháng sinh, thuốc bảo quản không đúng quy trình, không đúng vệ sinh.
Do quá trình chế biến không đúng, không đảm bảo: Quá trình giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm, quá trình thu hái lương thực, rau, quả, thực phẩm chế biến không đúng quy trình, không đảm bảo vệ sinh.
+ Dùng chất phụ gia không đúng quy định của Bộ y tế để chế biến thực phẩm.
+ Dùng chung dao, thớt hoặc để lẫn giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín.
+ Người chế biến thực phẩm đang bị bệnh truyền nhiễm hoặc dụng cụ ăn uống nhiễm bẩn.
+ Rửa thực phẩm hoặc dụng cụ ăn uống bằng nước nhiễm bẩn.
+ Nấu thực phẩm chưa chín, hoặc chưa đảm bảo trước khi ăn.
Do quá trình sử dụng hoặc bảo quản không đúng:
+ Có sửa dụng dụng cụ bị nhiễm chì để chứa đựng sản phẩm: thức ăn đóng hộp, thực phẩm được nuôi trồng từ vùng đất, nước ô nhiễm kim loại nặng.
+ Do để thức ăn qua đêm hoặc bày bán cả ngày ở nhiệt độ thường: thức ăn không được đậy kĩ, để bụi, bẩn, có các loại côn trùng gặm nhấm, ruồi và các loại động vật khác tiếp xúc gây ô nhiễm.
Tác hại ngộ độc thực phẩm
- Nhiễm độc tiềm ẩn: là sự nhiễm các chất độc hại dưới ngưỡng có thể gây ra các triệu chứng cấp tính, bán cấp tính; có thể bị nhiễm liên tục hoặc không liên tục; có thể sau một thời gian không biết trước sẽ có: ung thư, các rối loạn chức năng không rõ nguyên nhân, vô sinh, quái thai...
- Bệnh mạn tính: là bệnh mắc phải, có biểu hiện phát bệnh lặp lại thường xuyên hoặc theo chu kỳ; có thể do di chứng của ngộ độc cấp hoặc do hậu quả của nhiễm độc tiềm ẩn tới liều gây bệnh; có thể trở thành bệnh khó chữa hoặc không chữa khỏi.
- Bệnh bán cấp tính (ngộ độc thức ăn): các rối loạn tiêu hóa hoặc thần kinh nhẹ, hoặc các triệu chứng cấp tính, có thể tự chữa khỏi hoặc tự khỏi.
- Bệnh cấp tính (ngộ độc thức ăn): các triệu chứng trước đây tương đối điển hình và bệnh nhân cần đến sự can thiệp của bác sĩ.
+ Biểu hiện rối loạn tiêu hóa: nôn, ỉa chảy (gồm cả ỉa ra máu), đau bụng.
+ Biểu hiện rối loạn thần kinh: rối loạn cảm giác, nhức đầu, mệt lả, hôn mê, liệt chi.
+ Các rối loạn chức năng khác: thay đổi huyết áp, bí tiểu...
Thời gian lành bệnh (đến khi hết triệu chứng nhưng bệnh nhân chưa thể sinh hoạt và làm việc một các bình thường).
+ Với người mắc bệnh bán cấp và cấp tính : 02 ngày – 01 tháng
+ Với người mắc bệnh mạn tính: không khỏi hẳn và thỉnh thoảng tái phát.
Thời gian phục hồi sức khỏe (đã có thể sinh hoat và làm việc một cách bình thường): tuỳ theo nguyên nhân, tình trạng sức khỏe và độ tuổi, thường là:
+ Với người bình thường bị mắc bệnh bán cấp và cấp tính: 01 – 04 tuần với người lớn và trẻ độ tuổi học đường: 01 tháng đến vài tháng với trẻ dưới 7 tuổi và người già.
+ Với người mắc bệnh mạn tính bị tái phát: 01 – 02 tuần trong trường hợp bệnh tái phát có thể chữa được; không xác định được trong trừơng hợp đã thành bệnh nặng.
Tử vong là hậu quả của ngộ độc cấp rất nặng, ngộ độc cấp không được cứ chữa kịp thời hoặc hậu quả của nhiễm độc tiềm ẩn kéo dài đã dẫn đến bệnh hiểm nghèo không cứu chữa được.
Không loại trừ bất kỳ người nào dù là trẻ em, người lớn, người già yếu, nam hay nữ
Hướng dẫn thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm:
1. Lựa chọn sử dụng những thực phẩm tươi, sạch: Nên kiểm tra thật kĩ thực phẩm trước khi mua, không sử dụng thực phẩm đã bị mốc, ôi, thiu, hết hạn sử dụng hay không rõ nguồn gốc
2. Giữ vệ sinh nơi ăn uống và chế biến thực phẩm sạch sẽ: Nơi ăn uống phải cao ráo, sạch sẽ; thực phẩm sử dụng, dụng cụ trước khi chế biến phải được vệ sinh, sấy khô đảm bảo.
3. Sử dụng đồ dùng nấu nướng và ăn uống sạch sẽ, không để dụng cụ bẩn qua đêm; dụng cụ tiếp xúc với thức ăn chín hoặc sống phải được để riêng biệt.
4. Chuẩn bị thực phẩm sạch và nấu chín kĩ, bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín kĩ và đun kĩ lại thức ăn trước khi ăn.
+ Đậy kĩ thức ăn, tránh ruồi, nhặng, côn trùng xâm nhập.
+ Không để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm chín.
+ Không dùng tay để bốc thức ăn chín.
+ Đun lại thức ăn ở nhiệt độ sôi đồng đều ngay trước khi ăn.
+ Không nên ăn các loại thức ăn sống như: gỏi cá, thịt bò tái, nem, gỏi…
5.Giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt: Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với thức ăn sống. Cắt móng tay ngắn và sạch sẽ.
6. Sử dụng nước sạch trong ăn, uống: Sử dụng nước đã được đun sôi để uống hoặc chế nước giải khát, làm đá.
7. Sử dụng vật liệu bao, gói sản phẩm sạch sẽ, thích hợp và đạt tiêu chuẩn vệ sinh; không sử dụng sách báo cũ, bao nilon màu để gói thực phẩm; đồ bao gói phải đảm bảo sạch sẽ, không thấm chất độc vào thực phẩm
8. Thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ: Thực hiện các biện pháp phòng ngừa chuột, ruồi, gián, chuột… Và theo hướng dẫn vệ sinh phòng, chống các dịch bệnh của Bộ y tế.
9. Thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn thức ăn bị ôi thiu, nấm mốc, hết hạn, không ăn thức ăn không rõ nguồn gốc xuất xứ.
10. Giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh lớp học.
Trên đây là bài tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm của nhà trường, rất mong tập thể CBGV, nhân viên, phụ huynh và các em học sinh thực hiện tốt để đảm bảo sức khoẻ cho chính mình!